Giúp người cao tuổi, người khuyết tật di chuyển bằng thang máy hình ghế và thang máy nâng hạ
Cập nhật lúc : 17/07/2019
Sáng 17/7/2029, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Công ty Cổ phần Syntex (Nhật Bản) tổ chức buổi tọa đàm “Khảo sát sản xuất thang máy hình ghế và thang máy nâng hạ xe lăn cho người cao tuổi và người khuyết tật tại Việt Nam”.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Cao Thị Thanh Thủy, Phó vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Việt Nam đang già hóa dân số nhanh chóng và dự báo đến năm 2033, tỷ lệ người trên 65 tuổi sẽ chiếm trên 14% tổng dân số. Hiện cả nước có trên 7 triệu người khuyết tật (NKT) (bao gồm trên 800 nghìn người là thương, bệnh binh). Tỷ lệ thất nghiệp ở NKT khoảng 9% (gấp hơn 4 lần tỷ lệ thất nghiệp toàn dân số). Để giúp NKT và NCT Việt Nam thuận tiện hơn trong việc di chuyển và làm việc, Bộ LĐ-TB&XH cùng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Công ty Cổ phần Syntex (Nhật Bản) khảo sát để sản xuất thang máy hình ghế và thang máy nâng hạ xe lăn cho NCT và NKT tại Việt Nam. Nhằm tìm hiểu những khó khăn trong việc di chuyển hàng ngày của NKT, NCT, từ đó đưa ra các khuyến nghị và ý tưởng cho các dự án trong lĩnh vực liên quan với Nhật Bản.
Bà Cao Thị Thanh Thủy, Phó vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế phát biểu tại buổi tọa đàm.
Ông Takayuki HAYASHIDA, cố vấn hình thành Dự án, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, ngoài sự hợp tác mang tính truyền thống thì JICA đã mở rộng hợp tác với các công ty tư nhân tiến hành các hoạt động, dự án liên quan đến chuyển giao công nghệ cao của Nhật Bản cho các đối tác. Lần này JICA hợp tác với Công ty Sytex để khảo sát và sản xuất các thiết bị có chất lượng cao dành cho NCT, NKT. “Chúng tôi mong muốn giúp NKT và NCT Việt Nam có thể thuận tiện hơn trong công việc và sinh hoạt bằng thang máy hình ghế và thang máy nâng hạ xe lăn trong thời gian tới”, ông Takayuki HAYASHIDA nói.
Theo đại diện phía JICA: “Hiện ở Việt Nam nhiều NCT, NKT có nhu cầu được trợ giúp về mặt xã hội, thúc đẩy thực hiện các quyền của NKT. Đặc biệt là đảm bảo cho NKT có thể hòa nhập trong bối cảnh phát triển bền vững của Việt Nam. Để tạo điều kiện cho việc thúc đẩy hợp tác trong thực hiện quyền của NKT, chúng tôi nghiên cứu để xem xét khả năng trợ giúp, có thể hướng tới sản xuất các dụng cụ cho NKT Việt Nam. Dự kiến, từ tháng 11 năm nay đến tháng 3/2020, các bên sẽ nghiên cứu và lắp đặt thử nghiệm thang máy hình ghế và thang máy nâng hạ xe lăn tại một số địa điểm ở Việt Nam như: Bệnh viện phục hồi chức năng, Nhà hát lớn và Ga Hà Nội. Sau thời gian thí điểm, việc thành lập công ty và nhà máy sản xuất tại Việt Nam sẽ được triển khai để đến năm 2023 có thể đưa sản phẩm xuất thang máy hình ghế và thang máy nâng hạ xe lăn ra thị trường Việt Nam. Đồng thời, phía Nhật Bản cũng mong muốn Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ những hoạt động giới thiệu sản phẩm thang máy hình ghế và thang máy nâng hạ xe lăn tại Việt Nam, lựa chọn địa điểm lắp đặt sản phẩm, dùng thử sản phẩm và chia sẻ thông tin sản phẩm đến các tổ chức liên quan. Còn về phía Bộ Xây dựng, tư vấn, hỗ trợ tìm hiểu về tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn xây dựng cơ bản đối với sản phẩm thang máy hình ghế và thang máy nâng hạ xe lăn tại Việt Nam.
Ghế ngồi với thiết kế thấp, giúp người sử dụng di chuyển dễ dàng từ xe lăn lên thang máy.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Ga Hà Nội mong dự án sớm đi vào thực tế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NCT, NKT trong cuộc sống. Đại điện Nhà hát Lớn Hà Nội cho biết, hiện tại Nhà hát chưa có hệ thống đường ray, đường đi và chỗ ngồi cho đối tượng NCT, NKT, mỗi khi có sự kiện mà có NCT, NKT tham dự, việc di chuyển của họ đều phải nhờ sự giúp đỡ của các bộ phận khác.
Bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội NKT TP. Hà Nội mong muốn, khi Công ty Syntex (Nhật Bản) xây dựng nhà máy tại Việt Nam, trong việc đào tạo lao động để sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị cho sản phẩm nếu khâu nào phù hợp với NKT, Công ty Syntex tạo điều kiện để họ có việc làm, ổn định cuộc sống và bớt đi mặc cảm.
Một trong những thang máy nhỏ gọn nhất thế giới. Ghế ngồi với thiết kế thấp chỉ 48,5cm giúp người sử dụng di chuyển dễ dàng từ xe lăn lên thang máy.
Bà Cao Thị Thanh Thủy khẳng định, Bộ LĐ-TB&XH sẽ sẵn sàng phối hợp cùng với các cơ quan Việt Nam, tạo điều kiện cho việc triển khai của Công ty Syntex một cách hiệu quả, sau đó kết quả khảo sát sẽ là nền tảng cho quá trình hoàn thiện phát triển lâu dài của Công ty Syntex. Đồng thời, bà Thủy mong muốn, trong quá trình khảo sát tại Việt Nam, Công ty Syntex sẽ cung cấp thêm những sản phẩm khác phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng, phục vụ của NCT, NKT tại Việt Nam.
Thang máy dạng ghế có hai loại: Dùng cho cầu thang xoắn và cầu thang thẳng. Đối với thang xoắn có hai loại, trong phòng và ngoài trởi, có thể gấp lại khi không sử dụng, ghế thấp, giúp người sử dụng lên xuống dễ dàng. Thang máy dạng ghế cho cầu thang thẳng: Có hai loại trong phòng và ngoài trời, đặc biệt khi gấp lại, ghế cách tường chỉ 23,5 cm, là một trong những thang máy dạng ghế nhỏ gọn nhất thế giới. Thang máy nâng hạ xe lăn, thang máy dùng cho bậc cao từ 65cm đến 240cm. Dùng cho một người ngồi xe lăn và người sử dụng có thể tự điều khiển thang máy và cả người hộ lý, người ngồi xe lăn cũng có thể cùng sử dụng (tải trọng tối đa 185 kg). |