Bộ trưởng Đào Ngọc Dung "đặt hàng" cho Cục Bảo trợ xã hội nghiên cứu vấn đề khởi nghiệp cho người già

Cập nhật lúc : 14/01/2019

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh như vậy chiều 14/1/2019, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ- TBXH) tổng kết công tác trợ giúp xã hội năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019. Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng “đặt hàng” cho Cục những vấn đề khởi nghiệp cho người cao tuổi; xây dựng kế hoạch, chủ trương đưa quần áo ấm, đồ dùng, vật dụng cho người dân ở các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa.

Đến đúng, đủ, kịp thời với người thụ hưởng chính sách

Khẳng định Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm vấn đề an sinh xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, chủ trương này được thể hiện trong hiến pháp, trong tất cả các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Trong Nghị quyết 12 nêu rất rõ, đảm bảo cho mỗi người ở đối tượng cần bảo trợ, xã hội chăm lo thì được chăm lo. Với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.

Cả xã hội, trong đó trách nhiệm của Bộ, và trực tiếp là Cục được phân công, đảm nhận một số đối tượng rất đặc thù. “Năm 2018 và nhiều năm, chúng ta đã cố gắng để ở mức cao nhất để thực hiện, chăm lo cho các đối tượng này”, người đứng đầu ngành LĐ- TBXH nói.

Theo đó, các chủ trương chính sách với các đối tượng bảo trợ và phúc lợi xã hội đến đúng, đủ, kịp thời với người thụ hưởng.

Đồng thời ghi nhận Cục Bảo trợ xã hội đã làm rất tốt một số lĩnh vực, từ tham mưu xây dựng thể chế, thực hiện các nhiệm vụ liên quan; rồi cứu trợ, hỗ trợ, thực hiện trợ cấp hàng tháng, chính sách người khuyết tật, người già…

Hệ thống mạng lưới không ngừng được tăng cường. Bộ trưởng nhấn mạnh, sự “tăng cường” ở đây rất đáng khuyến khích, đây là xu hướng của xã hội đang phát triển mạnh theo hướng: công lập tinh gọn lại, và phát triển mạnh theo hình thức xã hội hóa, tư nhân hóa và phát triển mạnh hình thức tư thục.

Báo cáo công tác trợ giúp xã hội năm 2018, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết thực hiện nhiệm vụ công tác năm, trong công tác chỉ đạo, điều hành, Cục Bảo trợ xã hội đã hoàn thành các nhiệm vụ công tác của Bộ giao trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi nêu phương hướng nhiệm vụ lĩnh vực bảo trợ xã hội năm 2019

Báo cáo Công tác trợ giúp đột xuất, hỗ trợ sau thiên tai, ông Hồi cho biết, năm 2018, cả nước đã xảy ra 9 cơn bão, 5 áp thấp nhiệt đới, 18 trận lũ quét, sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng tại các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa và một số tỉnh Trung bộ. Thiên tai đã làm 224 người chết và mất tích; 1.987 nhà bị đổ, sập, trôi; 112.998 nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp. Tổng thiệt hại ước tính trên 7.000 tỷ đồng.

Tính đến ngày 9/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 5.705,655 tấn gạo cứu đói cho 42.756 hộ, 194.220 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi thiên tai năm 2018.

Về trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội, theo số liệu địa phương, đến nay cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 2.863.318 người, trong đó: 42.734 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 1.634.367 người cao tuổi; 1.012.623 người khuyết tật đang hưởng trợ cấp và 172.844 đối tượng khác.

Công tác chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội thông qua cơ quan Bưu điện đã được 60 tỉnh, thành phố thực hiện (03 tỉnh, thành phố TP Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Nam Định đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị triển khai thực hiện).

Cùng với đó, trợ giúp và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn; trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng ; Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng… cũng đạt nhiều kết quả tốt.


Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị

Có thể nói, trong năm 2018, với sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, địa phương, chính sách trợ giúp xã hội đã đạt được nhiều kết quả khả quan, bảo đảm định mức trợ cấp cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Số lượng đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội ngày càng tăng, việc tiếp cận chính sách bảo trợ xã hội của đối tượng được thuận lợi, bao phủ toàn dân.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá, trong năm qua, Cục Bảo trợ xã hội đã bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật; thay đổi quan điểm nhận thức, đặt chính sách bảo trợ xã hội trong tổng thể chính sách an sinh xã hội; chủ động trong thực hiện công tác cứu trợ đột xuất…

Để chuẩn bị cho giai đoạn 10 năm tới, Thứ trưởng cho rằng, phải đánh giá toàn diện thời gian  qua làm được gì, nội dung gì đề ra nhưng chưa thể chế hóa được, cũng như nhìn nhận lại những vấn đề gì đã cụ thể hóa và đưa được vào cuộc sống một cách hiệu quả. “Rà soát lại cả một giai đoạn, để 10 năm tới sẽ có tư duy mới, một tầm nhìn mới, một sự đổi mới phù hợp thông lệ quốc tế và theo kịp bạn bè thế giới”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng “đặt hàng” cho Cục bảo trợ

Kết luận tại Hội nghị, trước mắt năm 2019, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Cục bảo trợ xã hội khẩn trương suy nghĩ, xây dựng cùng với Bộ chiến lược an sinh xã hội của ngành 10 năm tới. Chiến lược phải có tầm nhìn dài hơi, và phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế. Làm sao cho hài hòa, toàn diện. Cùng với đó, Cục cần tập trung rất cao cho công tác thể chế.

Đặc biệt, tại hội nghị, Bộ trưởng “đặt hàng” cho Cục Bảo trợ “thử làm bằng được cho tôi xem có được không?”. Đó là tập trung suy nghĩ những vấn đề khởi nghiệp cho người cao tuổi. Bộ trưởng cho rằng, khi đối mặt với già hóa dân số, lực lượng lớn người cao tuổi nếu không biết tận dụng chất xám và năng lực của họ sẽ rất phí.

Như Nhật Bản, tại sao giới trẻ ưu tiên hoàn toàn người già làm các công việc như lái tacxi, hay một số việc dành riêng cho người già. “Đây là nói vấn đề chiến lược đấy. Câu chuyện này tưởng tôi nói đùa, nhưng đấy thực sự là tầm suy nghĩ dài, vì tuổi thọ càng cao”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Một việc nữa được Bộ trưởng “đặt hàng” cho Cục, là Cục cùng Hội chữ thập đỏ hoặc đoàn Thanh niên, đứng ra thành chủ trương, và kết nối với Bưu điện làm thí điểm việc làm ý nghĩa thiết thực là đưa quần áo, chăn màn, đồ dùng vật dụng… từ thành thị, ai dư không mặc thì đem đến các điểm huy động, để quần áo đến được với vùng sâu vùng xa, nơi đồng bào dân tộc thiểu số vốn rất khó khăn, thiếu thốn.

Bưu điện với hệ thống các điểm bưu điện văn hóa xã trên cả nước, sẽ là nơi “trung chuyển” những sản phẩm này đến được với những vùng khó khăn mọi nơi trên toàn quốc. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, và hiện đã được phía Bưu điện ủng hộ ý tưởng.

“Việc làm từ thiện này được tổ chức nhiều, nhưng nhỏ lẻ ở các đơn vị, những người hảo tâm đứng ra… nhưng giờ biến nó thành chủ trương. Lập ra những điểm huy động ai dư đồ, không dùng đến, đem đến đây, ai thiếu đến lấy sau đó chuyển từ thành phố cho các địa bàn. Các bưu điện họ hoàn toàn giúp được. Họ vận chuyển miễn phí hết. Cục cũng bắt tay làm việc với đường sắt, hàng không, giao thông miễn phí vận chuyển. Trước mắt, làm thí điểm ở hai TP HCM, và Hà Nội trước, sau đó mở rộng ra các tỉnh, thành khác”, Bộ trưởng nói và cho hay hiện bên Vnpost đã ủng hộ ý tưởng này. Đây là việc làm rất nhiều ý nghĩa, nhân văn.

Thứ nữa, Bộ trưởng nhấn mạnh, dứt khoát phấn đấu đến năm 2020, từng bước mỗi người dân phải có một thẻ an sinh. Đề án đã có rồi. Công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu đã có hết rồi, chỉ việc ráp vào với nhau, thống nhất với nhau. Giao cho Cục là người đề xuất.

Cùng với đó, sắp xếp lại bộ máy hiện đang cồng kềnh, theo tinh thần “cái gì địa phương làm được thì chuyển cho địa phương. Kiên quyết cắt giảm”, Bộ trưởng nói. Đi cùng với đó là chuyên nghiệp hóa và tinh nhuệ hóa lực lượng; tăng cường kiểm tra chính sách, chống trục lợi. Đấu tranh kiên quyết, xử lý tận cùng.

Cũng trong năm 2019, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý, hiện còn 4,6 % là người già chưa có BHYT. Con số 4,6% này chủ yếu rơi vào 1 số tỉnh, địa phương giàu, chứ không phải là nghèo. Bộ trưởng gợi ý, nghiên cứu bài học của Bắc Giang, TP HCM, và một số đơn vị, đã phủ toàn bộ BHYT cho người già.

“Phấn đấu bằng mọi giá làm việc với các địa phương, bằng nhiều giải pháp để đến 2020 xóa được con số 4,6% này không? Tôi nghĩ hoàn toàn có thể làm được, sẽ tăng thêm khoảng 1% lực lượng Việt Nam có bảo hiểm. Nhưng quan trọng hơn cả, là người già có bảo hiểm y tế”, Bộ trưởng nói. 

Bình luận
TỪ KHOÁ:
Tin liên quan

Bản quyền thuộc về VNCA, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Địa chỉ : Tầng 5, Nhà C, 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Lê Đại Hành, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : (024)39447254
Fax:(024) 39447267
Ghi rõ nguồn "Uỷ Ban Quốc Gia Người Cao Tuổi Việt Nam" hoặc "http://vnca.molisa.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này