Hội thảo “Báo cáo xây dựng chiến lược quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số Việt Nam 2020-2030, tầm nhìn đến 2035”
Cập nhật lúc : 21/12/2018
Ngày 21⁄12, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam (UBQG về NCT) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo “Báo cáo xây dựng chiến lược quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số tại Việt Nam”. Đây là hoạt động nhằm mục đích xây dựng chính sách thích ứng với già hóa dân số, giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn đến 2035.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Bạch Dương - Trợ lý Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết: Ở Việt Nam tỷ lệ người cao tuổi trên tổng dân số đã tăng lên 11,9% năm 2017 và sẽ tăng lên đến 20% vào năm 2038. Khi thế giới xây dựng một chương trình phát triển mới truyền cảm hứng và cam kết đạt được mục tiêu phát triển bền vững mới thì Việt Nam cần phải tính đến một mô hình mới phù hợp với vấn đề già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế - xã hội, đồng thời bảo vệ quyền của người cao tuổi. Già hóa là một tất yếu của sự phát triển. Chúng ta phải chuyển hướng trọng tâm từ việc đơn thuần giúp tiếp cận với tuổi già sang giúp tiếp cận với một tuổi già vui vẻ, hạnh phúc.
Ông Lê Bạch Dương - Trợ lý Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Đồng thời già hóa dân số không chỉ là giải quyết các vấn đề của người cao tuổi. Tiến trình già hóa dân số có tác động tới tất cả các khía cạnh của xã hội, các thành phần kinh tế và tới các nhóm dân số trẻ tuổi hơn.
Là một quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, Việt Nam cần nhanh chóng có một hướng tiếp cận toàn diện hơn để thích ứng và đáp ứng nhu cầu của toàn bộ dân số, chuẩn bị cho một xã hội già trong tương lai.Việc xây dựng các chính sách này cần nhìn nhận người cao tuổi là một nguồn lực cho phát triển, do đó chính sách cần phát huy những tiềm lực cả người cao tuổi chứ không phải coi người cao tuổi như những người thụ hưởng các dịch vụ xã hội thụ động.
Bà Lê Minh Giang - Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam mong muốn, thông qua các nội dung được chia sẻ về vấn đề già hóa dân số tại buổi hội thảo, các vấn đề đặt ra về già hóa tích cực, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 – 2025 và định hướng các chính sách nhằm đáp ứng với già hóa dân số ở Việt Nam trong thời gian tới.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về một số bài học và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam như: Thích ứng với già hoá dân số cần được coi là một vấn đề ưu tiên và đòi hỏi phải có các biện pháp kịp thời để chuẩn bị cho xã hội già trong tương lai không xa. Chính phủ cần ban hành, định hướng chiến lược tổng thể để thích ứng với già hóa dân số, xây dựng chương trình hành động về già hoá dân số cho giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 – 2025; Đề xuất sửa đổi Luật Người cao tuổi.
Các đại biểu cũng cho rằng, chúng ta cần tăng cường truyền thông, thay đổi nhận thức, tạo môi trường phù hợp với xã hội có nhiều người cao tuổi, thường xuyên tuyên truyền giáo dục giới trẻ, để xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực với người cao tuổi… Việc hoàn thiện các chính sách phù hợp sẽ góp phần đảm bảo quyền và tăng sự tham gia của người cao tuổi để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn cho mọi lứa tuổi.
TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh (Quỹ Dân số Liên hợp quốc UNFPA) báo cáo tại Hội thảo
TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh (Quỹ Dân số Liên hợp quốc UNFPA) phân tích, ai cũng sẽ già là điều không thể tránh, chính vì vậy chuẩn bị cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ là hữu ích để có cuộc sống tốt hơn khi về già. “Người trẻ hãy nhìn những NCT và những khó khăn họ phải đối mặt để hình dung ra cuộc sống khi qua 60 tuổi và tiếp tục già hơn trong nhiều năm. Cần giới thiệu các biện pháp để nhóm trẻ tuổi có thể được cung cấp thông tin có liên quan để giúp họ có cuộc sống ấm no, lành mạnh, tự do hơn là sợ bị phân biệt đối xử”, TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Văn Tiên báo cáo tại Hội thảo
Chia sẻ về vấn đề này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, TS. Nguyễn Văn Tiên cho biết, khi dân số già sẽ phát sinh các vấn đề liên quan đến tình hình tài chính (đa số NCT không có tích lũy cho tuổi già, tỷ lệ NCT nhận lương hưu và bảo trợ xã hội còn thấp, gần 70% NCT không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào, tỷ lệ NCT nghèo tăng theo độ tuổi ngày càng cao); các vấn đề liên quan đến sức khỏe và khuyết tật; việc chăm sóc NCT không chỉ bao gồm các dịch vụ y tế mà còn là các dịch vụ xã hội như dịch vụ hỗ trợ hoạt động sống cơ bản hàng ngày, các hoạt động cần thiết hàng ngày cũng như các dịch vụ nhằm giúp NCT tham gia vào các hoạt động xã hội; tỷ lệ NCT cô đơn có xu hướng tăng lên trong giai đoạn gần đây do những biến đổi về cấu trúc gia đình, vấn đề di cư, li dị cao và ly thân muốn sống độc lập… Bên cạnh đó, đôi khi các quyền của NCT bị xâm hại, mức nhẹ là lạm dụng, mạnh hơn nữa là bạo lực, tội phạm với NCT.
Ông Đoàn Hữu Minh, Trưởng phòng Công tác xã hội (Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TBXH) phát biểu tại Hội thảo
Thông tin tại Hội thảo về định hướng sửa đổi Luật NCT, hệ thống trợ giúp xã hội, ông Đoàn Hữu Minh, Trưởng phòng Công tác xã hội (Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TBXH) cho biết, sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Luật NCT và xây dựng hồ sơ dự thảo Luật NCT sửa đổi, bổ sung. Dự kiến năm 2020 sẽ hoàn thiện dự thảo Luật để trình Chính phủ, Quốc hội. Nội dung sửa đổi Luật sẽ hoàn thiện nhóm chính sách tạo điều kiện để NCT còn khả năng lao động được tham gia làm việc.
Ông Minh cho biết, nội dung sửa đổi Luật sẽ hoàn thiện nhóm chính sách tạo điều kiện để NCT còn khả năng lao động được tham gia làm việc, phát huy vai trò NCT theo thông điệp của Liên hợp quốc “Nghỉ hưu nhưng không nghỉ làm việc”; tiếp tục hoàn thiện nhóm chính sách khuyến khích xã hội hóa chăm sóc và phát huy vai trò của NCT; Bổ sung nhóm chính sách phát triển công tác xã hội đối với NCT; mở rộng đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội theo hướng giảm độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội đối với NCT xuống 75 tuổi, ưu tiên NCT ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo và người có hoàn cảnh khó khăn; cải cách hành chính gắn với ứng dụng CNTT trong giải quyết chính sách an sinh xã hội đối với NCT.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) phát biểu tại Hội thảo
Tại hội thảo, thông tin về đề án chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho hay, đến năm 2025, 100% NCT hoặc người thân trực tiếp chăm sóc NCT biết thông tin về GHDS, quyền được chăm sóc sức khỏe của NCT và các kiến thức chăm sóc sức khỏe NCT; 80% NCT có khả năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe; 90% NCT bị bệnh được tiếp cận dịch vụ; 100% NCT có thẻ bảo hiểm y tế; 100% bệnh viện TƯ, tỉnh (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) có tổ chức lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là NCT; 100% NCT không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình, cộng đồng; tăng ít nhất hai lần số NCT cô đơn không nơi nương tựa, không còn khả năng tự chăm sóc, không có người trợ giúp tại nhà và có điều kiện chi trả được chăm sóc trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung so với năm 2016.
Ông Lê Bạch Dương cho rằng, việc xây dựng chính sách đối với GHDS cần áp dụng hướng tiếp cận trên cơ sở đảm bảo quyền và bình đẳng giới cho toàn bộ dân số. “Việc xây dựng một chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với GHDS sẽ giúp Việt Nam có một khung chính sách mạnh mẽ và hiệu quả cho phát triển bền vững trong tương lai. Chính sách này cần nhìn nhận NCT là một nguồn lực cho phát triển, do đó chính sách cần hướng tới phát huy nguồn lực của NCT chứ không chỉ coi NCT như những người thụ thưởng các dịch vụ xã hội tự động”, ông Dương nói.