Hội thảo công bố kết quả báo cáo “Xây dựng chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với Già hóa dân số tại Việt Nam”
Cập nhật lúc : 30/03/2019
Sáng ngày 29/3/2019, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam (VNCA) phối hợp cùng Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo công bố kết quả báo cáo “Xây dựng chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Hà – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH); bà Phạm Thị Hải Chuyền – Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam; ông Nguyễn Hoàng Ma
Chia sẻ về một số kết quả thực hiện Luật Người cao tuổi trong năm 2018, đại diện Bộ LĐ-TBXH cho biết, có 3,1 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH; gần 1,7 triệu người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội (TCXH); hơn 1,1 triệu người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ. 96% người cao tuổi được cấp thẻ BHYT; gần 100 bệnh viện cấp trung ương và tỉnh có khoa Lão khoa, gần 1.000 Khoa khám bệnh có buồng, bàn khám riêng cho người cao tuổi; hơn 8.000 giường điều trị ưu tiên người cao tuổi; tỷ lệ người cao tuổi được tư vấn, chăm sóc sức khỏe tại cơ sở y tế ngày càng tăng. Cùng với đó, gần 900.000 lượt người cao tuổi được miễn giảm giá vé đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không; trên 9.500 xã thành lập Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. 56/63 tỉnh đã phê duyệt Đề án 1533; 21 tỉnh, thành phố đã thành lập hơn 1.520 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và đang tiếp tục được nhân rộng. Vận động 170 tỷ đồng của tổ chức, cá nhân, cộng đồng trợ giúp 700.000 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn…
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TBXH, bên cạnh những mặt đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số địa phương chưa xác định rõ trách nhiệm thực hiện chính sách người cao tuổi, coi công tác người cao tuổi là hoạt động phong trào. Mức TCXH hàng tháng tại cộng đồng thấp bằng (khoảng 38% so với chuẩn nghèo thu nhập ở nông thôn và 30% ở thành thị). Độ bao phủ của chính sách trợ giúp xã hội còn hạn chế, như người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu mới được hưởng trợ cấp. Còn một bộ phận người cao tuổi chưa được cấp thẻ BHYT, chưa tiếp cận được các dịch vụ khám chữa bệnh…
Toàn cảnh Hội thảo
Từ những hạn chế trên, Bộ LĐ-TBXH đã đưa những đề xuất về sửa đổi Luật Người cao tuổi cũng như một số qui định của Luật chưa điều chỉnh kịp những phát sinh trong thực tiễn như: Hoàn thiện nhóm chính sách tạo điều kiện để người cao tuổi còn khả năng lao động được tham gia làm việc, phát huy vai trò của người cao tuổi, thực hiện thông điệp mới của LHQ “nghỉ hưu nhưng không nghỉ làm việc” để ứng phó với vấn đề già hóa dân số. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện nhóm chính sách về bảo trợ xã hội, mở rộng đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội theo hướng giảm độ tuổi hưởng TCXH đối với người cao tuổi xuống 75 tuổi, ưu tiên cho người cao tuổi sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, hải đảo và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Phạm Thị Hải Chuyền – Chủ tịch Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam cho biết, già hoá dân số là một xu hướng mang tính toàn cầu, trở thành một vấn đề xã hội có tác động to lớn tới tiến trình phát triển chung của tất cả các nước trên toàn thế giới với nhiều mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá. Nhờ có sự phát triển của khoa học - công nghệ, những thành tựu vượt bậc về kinh tế, cùng với những tiến bộ xã hội, tuổi thọ trung bình của con người đã tăng rất nhanh. Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011. Theo dự báo của các các chuyên gia, Việt Nam chuyển đổi từ giai đoạn “già hóa” sang cơ cấu dân số “già” sẽ ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn. Từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, để thích ứng tốt với già hóa dân số, Việt Nam cần có các chính sách và chiến lược để chuẩn bị cho già hóa một cách phù hợp trong thời gian tới. Việc thích ứng với già hóa dân số, không chỉ là đáp ứng mong đợi và nhu cầu của người cao tuổi mà còn đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện hơn để giải quyết các tác động của già hóa dân số đến toàn bộ các nhóm dân số khác. Các chính sách hiện tại của Việt Nam chủ yếu nhằm hỗ trợ và giải quyết các vấn đề của người cao tuổi. Do vậy cần có một chính sách tiếp cận toàn diện hơn về già hóa dân số, vừa giải quyết các vấn đề già hóa dân số hiện tại ảnh hưởng đến cả người trẻ tuổi và người cao tuổi, cần phải xây dựng các chương trình và chính sách quốc gia phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội chung nhằm đạt được những tiến bộ và kết quả tích cực.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội thảo
Bà Phạm Thị Hải Chuyền - Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam nhấn mạnh, thời gian qua, VNCA và UNFPA phối hợp với nhóm chuyên gia quốc tế và trong nước tiến hành đánh giá, xây dựng báo cáo chính sách nhằm cung cấp phân tích và khuyến nghị ban hành chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với vấn đề già hóa dân số nhanh ở Việt Nam, thực hiện tốt hơn các chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi, đạt mục tiêu già hóa chủ động, già hóa khỏe mạnh đối với mọi người cao tuổi Việt Nam.
Theo TS Nguyễn Văn Tiên, Việt Nam đã quan tâm đến vấn đề người cao tuổi nhưng cũng như nhiều nước Đông Nam Á, Việt Nam mới chỉ tập trung quan tâm vào người cao tuổi mà chưa thấy rõ già hóa là một quá trình, tác động đến các nhóm dân cư khác, từ đó chưa định hướng chuẩn bị cho tuổi già khỏe mạnh ngay từ trước khi bước vào tuổi già. TS Nguyễn Văn Tiên cho rằng, chúng ta nên xây dựng Chính sách quốc gia về già hóa dân số trung hạn (15 năm) cho giai đoạn 2021 - 2035 nối tiếp cho Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi hiện hành sẽ kết thúc năm 2020. Bên cạnh đó cần 3 Kế hoạch hành động liên tiếp để thực hiện chính sách; mỗi Kế hoạch hành động cần lựa chọn các chiến lược được nêu ra, dựa trên ưu tiên về thời gian; mỗi bộ, ngành chọn lựa ưu tiên để đề xuất đưa vào Kế hoạch hành động đầu tiên, kèm đề xuất cụ thể hóa các hoạt động, đối tượng mục tiêu, và xác định trách nhiệm của các bên liên quan, ngân sách thực hiện và nguồn huy động. Kế hoạch hành động cần có giải pháp để lấp lỗ hổng về số liệu, nghiên cứu; hoạt động cụ thể để giám sát tiến trình thực hiện chính sách.
Bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện UNFPA cho biết: "Chúng ta đang tiến tới một tương lai tươi đẹp hơn mà chúng ta hằng mong ước, “không để ai bị bỏ lại phía sau” sẽ mang lại cơ hội để người cao tuổi đóng góp cho xã hội. Chúng ta hãy tăng cường những quyền con người này và đảm bảo có sự tham gia đầy đủ của người cao tuổi để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn cho mọi lứa tuổi. Tôi tin rằng, bằng cách tham gia và cộng tác cùng nhau, chúng ta thực sự có thể tạo ra sự khác biệt và giúp xây dựng các ứng phó có ý nghĩa đối với già hóa dân số - các ứng phó dựa trên các giá trị không phân biệt đối xử và bình đẳng giúp thúc đẩy tầm nhìn về một tuổi già hạnh phúc và khỏe mạnh”.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà cho biết, Việt Nam cần có một chính sách tiếp cận toàn diện hơn về già hóa dân số, vừa giải quyết các vấn đề già hóa dân số hiện tại ảnh hưởng đến cả người trẻ tuổi và người cao tuổi, vừa cần phải xây dựng các chương trình và chính sách quốc gia phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung nhằm đạt được những tiến bộ và kết quả tích cực. Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, báo cáo là tài liệu rất hữu ích, thiết thực, cung cấp thêm nhiều thông tin giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về vấn về già hóa dân số và định hướng chính sách thời gian tới đồng thời báo cáo cũng là cơ sở đầu vào hỗ trợ Bộ LĐ-TBXH - Cơ quan Thường trực về quản lý nhà nước về người cao tuổi cùng các cơ quan liên quan có định hướng chính sách đúng, phù hợp với người cao tuổi.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn, thời gian tới, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc và các Bộ, ngành tiếp tục phối hợp nghiên cứu Chương trình hành động cụ thể để xây dựng các chính sách, chương trình đáp ứng với già hóa dân số như vấn đề về an sinh xã hội, việc làm đối với người cao tuổi, chăm sóc y tế, chăm sóc xã hội, cứu trợ khẩn cấp, môi trường thân thiện với người cao tuổi, chuẩn bị cho tuổi già.