Quảng Ninh: Thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật

Cập nhật lúc : 21/04/2019

Những năm qua, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng đặc biệt được quan tâm, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, trong đó tỉnh đặc biệt quan tâm đến người khuyết tật (NKT), trẻ mồ côi và các đối tượng không may mắn trong cuộc sống.

Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 19.000 NKT, trong đó số có khả năng lao động là 3.367 người, chiếm 17,5% tổng số NKT; số không có khả năng lao động là 15.918 người, chiếm 82,5%.

Số NKT có việc làm ổn định khoảng 1.000 người và số không có việc làm 16.406 người, chiếm 85,07% .

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm công tác trợ giúp NKT thông qua việc triển khai nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực cho các hoạt động trợ giúp NKT trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn và hàng năm của địa phương.

Hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành luôn hướng tới các đối tượng bảo trợ xã hội, NKT nhằm đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

Cùng với các chính sách của Trung ương, các cơ chế chính sách riêng của tỉnh về chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, giáo dục, vui chơi giải trí, giải quyết chế độ chính sách nhằm trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội, NKT đã dần đi vào cuộc sống, được người dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Đời sống vật chất, tinh thần của đối tượng từng bước được cải thiện. Các cấp, các ngành luôn tạo điều kiện để NKT thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm, không phân biệt đối xử, tạo mọi điều kiện để NKT hòa nhập với đời sống xã hội.

Thực hiện chính sách bảo trợ xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã giải quyết đầy đủ, kịp thời chế độ theo quy định của Trung ương. Hiện nay, mức chuẩn trợ cấp xã hội của tỉnh là 350.000 đồng/tháng, cao hơn so với mức của Trung ương là 270.000 đồng/tháng. Hiên nay,  số đối tượng NKT đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là hơn 11.153 người, trong đó số NKT đặc biệt nặng là 2.729 người; số NKT nặng là 8.424 người. Đồng thời, tỉnh cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ NKT có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, đặc biệt là những đối tượng thực sự không có điều kiện tái tạo nhà ở trong giai đoạn 2017-2019.

Để tạo điều kiện cho NKT học nghề, tìm kiếm việc làm, từ năm 2006,  trong những năm vừa qua, công tác hỗ trợ lao động học nghề được tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm. Bình quân mỗi năm, tỉnh đều bố trí kinh phí hỗ trợ lao động học nghề từ 10 - 15 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Quỹ việc làm dành cho NKT. Đến nay, tỉnh đã vận động thành lập và có quyết định công nhận 10 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT, tạo việc làm cho  hơn 200 lao động là NKT với mức thu nhập hàng tháng từ 2,5 - 3,5 triệu đồng. Quỹ việc làm dành cho NKT đã thu từ các doanh nghiệp chưa sử dụng đủ tỷ lệ lao động là NKT tính đến thời điểm hiện tại là trên 14 tỷ đồng. Từ đó, hỗ trợ kinh phí cho 4 doanh nghiệp mua sắm thiết bị, vốn đầu tư nâng cấp mở rộng cơ sở vật chất, tạo việc làm cho NKT.


Bình luận
TỪ KHOÁ:
Tin liên quan

Bản quyền thuộc về VNCA, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Địa chỉ : Tầng 5, Nhà C, 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Lê Đại Hành, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : (024)39447254
Fax:(024) 39447267
Ghi rõ nguồn "Uỷ Ban Quốc Gia Người Cao Tuổi Việt Nam" hoặc "http://vnca.molisa.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này