Phụ nữ vùng dân tộc thiểu số thoát nghèo nhờ nghị lực
Cập nhật lúc : 13/03/2019
“Nghèo tri thức là sợ nhất! Những cái mất, đáng sợ nhất là mất niềm tin!”… đó là những bài học được rút ra trong cuộc chiến đấu với đói nghèo của những phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo thống kê của NHCSXH, đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ ủy thác của NHCSXH qua Hội Phụ nữ đạt gần 73 nghìn tỷ đồng với 2,5 triệu hộ hội viên phụ nữ còn dư nợ.
Cái tên H’Lan không chỉ được người dân ở thôn 9, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông biết đến bởi sự chịu thương, chịu khó, sáng tạo trong chăm sóc cà phê, chăn nuôi lợn, gà mà còn được nhiều người biết đến bởi câu nói: “Tôi sợ nghèo tri thức” mà chị chia sẻ tại Hội nghị “Biểu dương huyện, xã, hộ gia đình vươn lên thoát nghèo giai đoạn 2016 - 2020” diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, cuối năm 2018.
Với người phụ nữ dân tộc Mạ này, để có ngày hôm nay là cả một hành trình dài, khó khăn không kể xiết. H’Lan cho biết, trước đây gia đình chị chỉ đi phát nương, làm rẫy sống qua ngày. Vào những vụ mùa giáp hạt, cả nhà chỉ biết cầm cự với rau rừng, “sang” lắm thì có ngô, sắn. Nhờ Hội Phụ nữ xã động viên, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đắk Glong cho vay 35 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo, đã tạo cho chị bước ngoặt lớn cả về nhận thức và phương pháp làm thế nào để thoát nghèo: Được cán bộ NHCSXH cho vay vốn, tư vấn nên đầu tư vào nuôi trồng cây con gì; được học các lớp kỹ thuật trồng, chăm sóc thế nào để mang lại năng suất cao... “Nhìn lại, mỗi bước đi của tôi đều có cán bộ của NHCSXH và Hội Phụ nữ theo cùng. Họ là người đã mang lại cho tôi động lực để thành công” - chị H’Lan nói.
Gặp H’Lan khi chị và gia đình đã hoàn toàn thoát khỏi sự đeo bám của nghèo đói được gần hai năm nay. Hiện, thu nhập của gia đình chị đạt từ 180 triệu đồng - 200 triệu đồng/năm nhưng người phụ nữ gần 40 tuổi ấy vẫn nhủ lòng cần cố gắng hơn nữa, để phát triển kinh tế vững chắc, không bị tái nghèo. H’Lan cho biết, chị thường chia sẻ với chị em trong thôn rằng phụ nữ cũng có thể làm giàu. Thời gian tham gia các lớp học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế, đã giúp chị hiểu ra nhiều điều. Cái đáng sợ nhất không phải là nghèo vật chất mà là nghèo tri thức. Nếu nghèo tri thức thì phụ nữ không biết cách trồng cây gì, nuôi con gì, không biết canh tác sao cho đúng. Cây bị sâu bệnh, gà, lợn bị ốm cũng không biết phải phun thuốc gì, chữa thuốc gì. “Vì thế, chị em hãy tự tin lao động, chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm, kiến thức để giúp gia đình, bản thân mình thoát nghèo” - H’Lan tâm sự.
Một điển hình khác là chị Hồ Thị Thanh, dân tộc Bru - Vân Kiều ở bản Hưng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Chị Thanh cũng đi lên trở thành hộ khá giả bằng những đồng vốn tín dụng chính sách ưu đãi của NHCSXH Minh Hóa. Đúc kết lại chặng đường gian khó đã qua, chị Thanh nói, trong những cái mất, đáng sợ nhất là mất niềm tin. Chị và nhiều đồng bào ở đây đã quá quen với việc thiệt hại do bão, lũ gây ra mỗi năm. Song, chị Thanh quan niệm, tiền mất sẽ kiếm lại được nếu có quyết tâm, kiến thức và niềm tin vào tương lai, bởi bên mình luôn có sự ủng hộ của chính quyền, bà con và các cán bộ tín dụng chính sách. “Như nhà tôi đây, mấy năm trước khi bão số 10 ập đến, gia đình bị thiệt hại tới 90% số cây trồng nên có nguy cơ tái nghèo. Nhưng NHCSXH đã gia hạn nợ kịp thời và chúng tôi vượt qua khó khăn” - chị Thanh chia sẻ.
Sự thành công của chị Hồ Thị Thanh hay của H’Lan không thể không nhắc tới vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN). Đây được ví như “cánh tay nối dài” của NHCSXH trong việc chuyển tải kịp thời những đồng vốn ưu đãi của Nhà nước đến tay chị em nghèo trên cả nước, trong đó có chị Hồ Thị Thanh và H’Lan. Nhờ tổ chức hội, cả hai chị từ những người nhút nhát, tự ti trở thành người phụ nữ mạnh mẽ, tự tin, biết khao khát làm giàu cho mình và truyền cảm hứng làm giàu cho đồng bào mình.
Nói về vai trò của Hội LHPN, Phó Tổng giám đốc NHCSXH Trần Lan Phương cho hay, là một trong những tổ chức chính trị xã hội được Chính phủ giao nhiệm vụ đồng hành sát cánh cùng NHCSXH, những năm qua, Hội LHPN luôn nỗ lực, sáng tạo, góp phần phát huy hiệu quả kênh dẫn vốn chính sách tới hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hội phụ nữ các cấp luôn thể hiện vai trò là người tham gia triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội và là người thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi.
NHCSXH đã phối hợp với các cấp hội phụ nữ thực hiện tốt hoạt động cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách để bảo đảm chất lượng dư nợ, bảo toàn nguồn vốn tín dụng chính sách, đơn cử như thông báo, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến các đối tượng được thụ hưởng; hướng dẫn thành lập và quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK - VV), hướng dẫn và giám sát việc bình xét công khai các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng có nhu cầu vay vốn; kiểm tra, giám sát hoạt động của các Tổ TK - VV; cùng với Ban quản lý Tổ TK - VV hướng dẫn và kiểm tra việc sử dụng vốn vay, đôn đốc người vay trả nợ, trả lãi đúng hạn, gửi tiền tiết kiệm theo quy ước hoạt động của Tổ; phối hợp với NHCSXH và chính quyền địa phương xác nhận và đề nghị giải pháp xử lý những khoản nợ, lãi bị rủi ro do nguyên nhân khách quan và xử lý các trường hợp nợ quá hạn theo hướng dẫn của NHCSXH.
Công tác kiểm tra, giám sát kết hợp với tuyên truyền vận động luôn được Hội Phụ nữ và NHCSXH thường xuyên quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhằm giải thích, tuyên truyền đến hội viên, gia đình hội viên và công đồng dân cư về chính sách tín dụng của Chính phủ, đồng thời qua kiểm tra phát hiện ra những tồn tại, hạn chế để kịp thời khắc phục. Hàng năm NHCSXH và Hội Phụ nữ các cấp phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho cán bộ tổ chức hội các cấp, cán bộ Tổ TK - VV, phối hợp với các cơ quan chức năng tập huấn công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... giúp người vay xây dựng các dự án sản xuất, kinh doanh và biết sử dụng vốn vay có hiệu quả.