Phát triển chính sách cho người khuyết tật ở Việt Nam
Cập nhật lúc : 19/02/2019
“Nhận thức về vấn đề khuyết tật và về người khuyết tật ở Việt Nam phù hợp với cách tiếp cận của thế giới và của khu vực đó là quyền con người, quyền công dân. Sự tôn trọng của các cấp chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội đối với người khuyết tật chính là điều kiện thuận lợi để người khuyết tật ở Việt Nam vươn lên hòa nhập cộng đồng và tự định đoạt cuộc sống và tương lai của chính mình”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng khẳng định.
Thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và Chiến lược In Choen nhằm hiện thực hóa quyền cho NKT khu vực Châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn 2012 - 2022, ngày 19/2 tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm phát triển Châu Á - Thái Bình Dương về người khuyết tật (APCD) tổ chức Hội thảo “Phát triển chính sách người khuyết tật Việt Nam và Lễ ký kết Chương trình hợp tác giữa Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam và APCD”.
Tham dự Hội thảo và Lễ ký kết, có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam; Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi, Chánh Văn phòng Ủy ban; Ông Piroon Laismit Giám đốc điều hành Trung tâm phát triển Châu Á - Thái Bình Dương về người khuyết tật, cùng đại diện các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể ở Trung ương, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức hội người khuyết tật, đại diện một số Sở LĐ-TB&XH.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng khẳng định, chính sách chăm lo, trợ giúp người khuyết tật luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Cùng với Luật người khuyết tật, Chính phủ ban hành và thực thi nhiều chính sách nhằm bảo vệ, chăm lo, trợ giúp người khuyết tật. Chính vì vậy, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần, vị thế của người khuyết tật ở Việt Nam ngày càng được cải thiện, nâng cao.
“Nhận thức về vấn đề khuyết tật và về người khuyết tật ở Việt Nam phù hợp với cách tiếp cận của thế giới và của khu vực đó là quyền con người, quyền công dân. Sự tôn trọng của các cấp chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội đối với người khuyết tật chính là điều kiện thuận lợi để người khuyết tật ở Việt Nam vươn lên hòa nhập cộng đồng và tự định đoạt cuộc sống và tương lai của chính mình”, Thứ trưởng khẳng định.
Đồng thời, Thứ trưởng nhấn mạnh, tất cả những trợ giúp của Chính phủ và xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật xóa bỏ mặc cảm, tự vươn lên hòa nhập xã hội và đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của dân tộc. Đã có rất nhiều tấm gương là người khuyết tật thành đạt trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, chính trị và văn hóa xã hội.
“Việt Nam đã cam kết tham gia đầy đủ, tích cực Thập kỷ Châu Á - Thái bình dương/khuôn khổ hành động BIWAKO giai đoạn 2003 - 2012 và Thập kỷ tiếp theo 2013 - 2022 (hay còn gọi là Chiến lược Inchoen). Ngày 28/11/2014 Quốc hội đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Việt Nam cam kết tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược Inchoen giai đoạn 2013 - 2022 và Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật với mục tiêu giúp người khuyết tật ở Việt Nam có cuộc sống tốt hơn, có điều kiện thuận lợi để thực hiện các quyền do pháp luật quy định”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết.
Theo đó, Thứ trưởng đánh giá cao sáng kiến hợp tác giữa Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam với Trung tâm phát triển Châu Á - Thái Bình Dương về người khuyết tật này và tin tưởng hợp tác này sẽ giúp Việt Nam có tiếng nói chung trong khu vực và để đưa ra được những sáng kiến, giải pháp sáng tạo thúc đẩy hòa nhập dành cho người khuyết tật.
Báo cáo tình hình thực hiện công tác người khuyết tật tại Việt Nam, bà Đinh Thị Thụy, Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cho biết, thời gian qua, công tác trợ giúp người khuyết tật của Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Số lượng người khuyết tật được học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế ngày càng tăng.
Người khuyết tật được tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội; được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật và các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, hàng năm đã có hàng trăm tổ chức của người khuyết tật từ trung ương đến địa phương được thành lập mới với những tên gọi phong phú đa dạng như: Hội, Câu lạc bộ, Trung tâm... Một số Hội đã có mạng lưới đến cấp tỉnh, huyện và đang phát triển đến cấp xã như như: Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam, Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Việt Nam.
Trên cơ sở kết quả đạt được, trong thời gian tới Việt Nam tập trung vào một số hoạt động cụ thể như: Rà soát, chỉnh sửa hoàn thiện pháp luật phù hợp với Công ước và Chiến lược Incheon, bảo đảm thực thi hiệu quả quyền của người khuyết tật trên các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm, văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch, tiếp cận công trình công cộng, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông và trợ giúp pháp lý. Nghiên cứu xây dựng Chương trình hành động quốc gia trợ giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030.
Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật và mạng lưới Ban công tác người khuyết tật các cấp. Thúc đẩy thành lập và hiệu quả hoạt động của mạng lưới các tổ chức của người khuyết tật và doanh nghiệp của người khuyết tật. Hỗ trợ thúc đẩy các sáng kiến, mô hình, chương trình trợ giúp cho người khuyết tật ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng. Tăng cường hợp tác với các nước trên thế giới và ASEAN trong lĩnh vực người khuyết tật.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, hai bên đã tổ chức Lễ ký kết Chương trình hợp tác nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động trong lĩnh vực trợ giúp người khuyết tật.
Thời gian tới, Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam sẽ tập trung vào một số hoạt động cụ thể như:
Một là, rà soát, chỉnh sửa hoàn thiện pháp luật phù hợp với Công ước và Chiến lược Incheon bảo đảm thực thi hiệu quả quyền của NKT trên các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm, văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch, tiếp cận công trình công cộng, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông và trợ giúp pháp lý.
Hai là, nghiên cứu xây dựng chương trình hành động quốc gia trợ giúp NKT hòa nhập cộng đồng cho NKT giai đoạn 2021 - 2030.
Ba là, thúc đẩy thành lập và hiệu quả hoạt động của mạng lưới các tổ chức của NKT và doanh nghiệp của NKT.
Bốn là, hỗ trợ thúc đẩy các sáng kiến, mô hình, chương trình trợ giúp cho NKT ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng.
Năm là, tăng cường hợp tác với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước ASEAN trong lĩnh vực NKT.