Tết ở nơi gửi trọn yêu thương
Cập nhật lúc : 04/02/2019
Nơi ấy là một “đại gia đình”, có tới gần 200 ông bà và con cháu cùng rất nhiều bố mẹ đang tất bật chuẩn bị những công việc để đón Tết Kỷ Hợi 2019 đang đến rất gần.
Chúng tôi đến Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 có trụ sở chính ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội vào một ngày cận Tết. Khác với các ngày thường, ngôi nhà chung của những người già và trẻ nhỏ đã được khoác trên mình tấm áo xuân, vẫn còn thơm mùi vôi mới. Các dãy hành lang khu nhà và ngoài sân được tô điểm bằng những chậu cảnh, cây quất, cành đào rực rỡ sắc xuân. Đặc biệt, các giò hoa phong lan trong vườn đang khoe sắc níu kéo mọi người dừng bước ngắm nhìn, thưởng thức mùi thơm nhè nhẹ.
Trong câu chuyện chăm lo Tết cho người già và trẻ nhỏ, chị Trần Thị Hải - Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội 3 hào hứng cho hay: Trung tâm đang nuôi dưỡng 90 cụ già và 85 cháu nhỏ ở 3 cơ sở. Tại cơ sở chính này có 90 cụ và 50 cháu đang sinh sống. Các đối tượng người già thì tuổi cao, sức yếu, nhiều bệnh tật; những trẻ nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt và sức khỏe lại yếu. Để đảm đương được công việc chăm sóc cho các đối tượng, Trung tâm phải có đông lực lượng cán bộ, cộng với trình độ chuyên môn và tâm huyết với nghề.
Nói về công tác chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, chị Hải kể với giọng đầy hào hứng: “Năm nào cũng vậy, chúng tôi lo Tết cho các cụ già và trẻ nhỏ bằng nguồn kinh phí của Nhà nước cấp cộng với các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thêm. Từ trước Tết Nguyên đán cả tháng, lãnh đạo Trung tâm đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị đón Tết. Cách Tết khoảng 10 hôm, chúng tôi lên thực đơn cho ngày 30 Tết và các ngày mùng 1, 2, 3 Tết gồm có bánh chưng, thịt gà, giò, nem, canh măng, canh mọc… Năm nay, có một số đơn vị, tổ chức đặt vấn đề đến gói bánh chưng và tặng lại cho các cụ cùng các cháu. Cộng với số bánh chưng của Trung tâm gói, Tết này mỗi đối tượng sẽ có khoảng 5 cái”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do các cụ và các cháu có nhiều thiệt thòi nên lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 mong muốn ngày Tết là dịp để đại gia đình ở Trung tâm được cùng nhau sum họp. Vì thế, từ ngày 22 tháng Chạp, sau khi gói bánh chưng xong, Ban giám đốc Trung tâm đã tổ chức cho các cụ, các cháu và cán bộ, nhân viên ăn bữa tất niên trong không khí vui tươi, đầm ấm.
“Sáng ngày mùng 1 Tết, tôi sẽ đi đến các dãy phòng người già và trẻ nhỏ để chúc mừng năm mới và mừng tuổi cho mọi người. Đặc biệt, từ tối 30 Tết, khu vực tâm linh trong khuôn viên Trung tâm sẽ luôn được mở cửa để đón các cụ đến thắp hương, thờ Phật” - chị Hải chia sẻ.
Tới thăm khu nhà ở của người già tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 3, chúng tôi nhận thấy, các phòng nghỉ có đầy đủ đệm, gối, chăn; đồ đạc được sắp xếp gọn gàng và ngăn nắp. Mọi người phấn khởi mong chờ cái Tết đến, nhưng sâu thẳm trong trái tim vẫn phảng phất nỗi buồn rất muốn sẻ chia. Vì thế, khi thấy có khách đến thăm, ông Võ Thế Ái, sinh năm 1930, quê ở Đà Nẵng cứ kể liên hồi câu chuyện của mình bằng chất giọng đặc trưng của người dân xứ Quảng. Cuộc đời của ông Ái tựa như thước phim quay chậm, khiến người xem cảm thấy xót xa.
Trước đây, ông Ái là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Sau ngày đất nước giải phóng, từ miền Nam trở ra Bắc, vợ chồng ông Ái cũng muốn sinh thêm con. Tuy nhiên, khi chứng kiến những người cùng đi kháng chiến có con thứ 2 bị ảnh hưởng bởi chất độc dioxin ông bà Ái quyết định dừng lại ở một con…
Thế nhưng, cuộc đời chẳng ai học được chữ “ngờ”. Cậu con trai ông bà Ái đột ngột mất vì dịch bệnh khi 40 tuổi. 2 ông bà đau từng khúc ruột, không người thân chăm sóc đành tìm đến Trung tâm Bảo trợ xã hội 3. Lãnh đạo Trung tâm thấu hiểu hoàn cảnh đã bố trí cho ông bà một phòng riêng. Hằng ngày, ông đọc báo, nghe đài, viết sách; bà cùng những người bạn già tìm đến vườn cây cảnh. Niềm vui tuổi già chẳng tày gang, chỉ mấy tháng sau, người vợ yêu thương qua đời để lại ông Ái trong căn phòng trống trải…
“Dạo trước, người em họ gọi điện hỏi có muốn về quê sinh sống nhưng tôi không thể dời xa nơi vợ mình đã mất. Bản thân tôi được các nhân viên chăm sóc tốt và chữa khỏi bệnh trĩ nên muốn sống ở Trung tâm đến cuối cuộc đời. Ở tuổi 90, tôi chỉ mong muốn trong năm mới có sức khỏe ổn định để không làm phiền nhiều các anh chị” - ông Ái rơm rớm nước mắt.
Khác với người già, nhiều trẻ nhỏ mong Tết đến từng ngày, từng giờ. Các em vui mừng khi đến ngày Trung tâm tổ chức gói bánh chưng để được cùng các bà, các mẹ, anh chị gói và canh chừng nồi bánh chưng bắc trên bếp lửa rực hồng…
Trong tiết trời thoáng chút se lạnh, em Nguyễn Văn An hồ hởi chia sẻ: “Con thích ngày Tết vì sẽ được cùng mọi người biểu diễn văn nghệ. Bài gì con cũng hát được. Nhưng, điều con thích nhất trong ngày Tết vẫn là nhận quà, có nhiều tiền mừng tuổi từ các mẹ và khách đến thăm. Chúng con còn được ăn nhiều món ngon mà ngày thường không có”.
Tiếp lời của cậu An, Giám đốc Trần Thị Hải cho biết, ngày Tết là mùa xuân tiết trời lạnh dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của người già và trẻ nhỏ. "Vì thế, chúng tôi đã xác định việc tổ chức cho các đối tượng ăn Tết có nhiều món ngon nhưng vẫn phải giữ được sức khỏe tốt. Điều quan trọng hơn, chúng tôi muốn mọi người thấy điểm khác biệt nhất ở Trung tâm chính là mô hình gia đình truyền thống có ông bà và các cháu, ở giữa có bố mẹ là cán bộ, nhân viên trung tâm. Đã từ lâu, nơi đây thực sự trở thành ngôi nhà lớn của người già và trẻ em khiếm khuyết về gia đình nhưng luôn cảm nhận được niềm hạnh phúc” - chị Hải chia sẻ.