Già hóa dân số ở Việt Nam: Yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi

Cập nhật lúc : 20/01/2019

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi (NCT), chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng NCT Việt Nam chiếm 17% và năm 2050 là 25%. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam (đã đạt mức 73,4 tuổi) đang tăng lên. Đây là kết quả của phát triển kinh tế - xã hội, của những cải thiện về đời sống vật chất, tinh thần, cũng như công tá

Chiếm tỷ lệ trên 11% dân số nhưng phần lớn NCT có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân,  đời sống NCT nhìn chung còn rất khó khăn. Theo số liệu của Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tại Việt Nam, 65,7% NCT sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp, thu nhập thấp lại bấp bênh. Hơn nữa, vì không còn sức khỏe để lao động nên đa số phải sống phụ thuộc. Trong số NCT tại Việt Nam, chỉ có khoảng 27% là có lương hưu và thu nhập ổn định, còn lại, 73% không có lương hưu, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống và phải sống phụ thuộc vào con cái. Số NCT được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội rất thấp nên nhiều NCT sức khỏe kém vẫn phải tự lao động và kiếm sống hàng ngày. Vì vậy, đời sống của NCT, nhất là ở vùng nông thôn còn rất khó khăn, vất vả, tỷ lệ người nghèo ở NCT là 23,5%.

Mặc dù có tuổi thọ trung bình khá cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của NCT ở nước ta lại khá thấp (chỉ khoảng 64 tuổi); đặc biệt, có 67,2% NCT có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, nhiều người mắc bệnh nan y… Khoảng 95% NCT có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền, trung bình 1 NCT Việt Nam mắc 3 bệnh. Chỉ có khoảng 60% NCT có thẻ bảo hiểm y tế. Gánh nặng bệnh tật kép ở NCT đòi hỏi Nhà nước, cộng đồng và gia đình phải đầu tư nguồn ngân sách đáng kể cho công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc y tế NCT.

Bên cạnh đó, hệ thống các cơ sở chăm sóc sức khỏe NCT ở Việt Nam còn  nhiều khó khăn, thách thức. Theo thống kê, cả nước chỉ có 49/63 tỉnh có khoa lão khoa tại các bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc bệnh viện lão khoa. Cả nước hiện có 106 khoa lão khoa được thành lập tại bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố và bệnh viện trung ương; hơn 900 khoa khám bệnh có buồng riêng NCT; trên 10.000 giường điều trị nội trú ưu tiên NCT và có 1.791 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa. Có tới 72,3% số NCT sống cùng với con cháu, trong khi đó xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Tình trạng NCT sống không có vợ, chồng chiếm tỷ lệ cao, trong đó số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông. Phụ nữ cao tuổi ly hôn, ly thân có tỷ lệ cao gấp 2,2 lần so với nam giới.

Ngoài ra, hệ thống an sinh xã hội cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của NCT; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn và hệ thống cung ứng việc làm cũng như chăm sóc sức khỏe dài hạn NCT; một bộ phận xã hội còn quan niệm sai lệch về NCT; vai trò của các tổ thức dân sự, đoàn thể, cá nhân chưa thực sự được phát huy… cũng là những khó khăn, thách thức đối với chất lượng sống của NCT.

Sức khỏe là điều kiện tiên quyết để NCT có cuộc sống tích cực. Cùng với sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng được nâng cao và sức khỏe của NCT được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, thế hệ NCT hiện nay, một thời gian dài trải qua chiến tranh ác liệt và kinh tế nghèo khó, nhiều nơi còn phong tục, tập quán không có lợi cho sức khỏe (hút thuốc lá, uống rượu…) đã làm cho sức khỏe trở thành vấn đề đáng lo ngại nhất của NCT. Do vậy chăm sóc y tế là nội dung quan trọng nhất đối với đa số NCT.

Bộ Y tế đã xây dựng “Đề án chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017 - 2025”. Đề án được triển khai trên toàn quốc tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ưu tiên các tỉnh thành phố có tỷ lệ NCT cao, các tỉnh vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa có nhiều NCT gặp khó khăn hoặc NCT là người dân tộc thiểu số. Đề án cũng đề ra yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm đến chính sách bảo hiểm y tế, dự báo chi phí chăm sóc sức khỏe trong tương lai đối với NCT; phân bổ nhân lực để thực hiện cung ứng dịch vụ dự phòng các bệnh mãn tính ở tuyến y tế cơ sở, trong cộng đồng, nhân lực đáp ứng nhu cầu quản lý bệnh không lây nhiễm ở giai đoạn bệnh tiến triển…

Bên cạnh công tác khám chữa bệnh, số NCT được phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng ngày càng cao, đạt trên 213.000 lượt; được khám chữa bệnh tại nhà là gần 80.000 lượt; NCT khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế là gần 8 triệu lượt. Qua khám chữa bệnh phát hiện trên 1 triệu lượt NCT có bệnh mạn tính không lây nhiễm… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khám, chữa bệnh NCT còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức. Nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT như khám sức khỏe định kỳ do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để thành lập khoa lão còn thiếu; bác sỹ, điều dưỡng học về chuyên ngành lão khoa còn thiếu nên chưa tư vấn, tuyên truyền và phổ biến kiến thức phòng và chữa bệnh NCT tại cộng đồng…


Bình luận
TỪ KHOÁ:
Tin liên quan

Bản quyền thuộc về VNCA, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Địa chỉ : Tầng 5, Nhà C, 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Lê Đại Hành, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : (024)39447254
Fax:(024) 39447267
Ghi rõ nguồn "Uỷ Ban Quốc Gia Người Cao Tuổi Việt Nam" hoặc "http://vnca.molisa.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này