Thừa Thiên Huế: Tổ chức lao động trị liệu tại các trung tâm bảo trợ xã hội

Cập nhật lúc : 12/01/2019

Dạy nghề, bố trí bệnh nhân tâm thần và học viên cai nghiện ma túy tham gia lao động sản xuất là những việc làm rất quan trọng trong chuỗi hoạt động trị liệu cho bệnh nhân.

Theo ông Ngô Duy Bình – Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Thừa Thiên Huế, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 501 bệnh nhân tâm thần có hồ sơ quản lý. Trong năm 2018, Trung tâm đã tiếp nhận mới 51 bệnh nhân, hiện số bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm là 431.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thực hiện chức năng tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc và tự nguyện cho các học viên theo Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ LĐ – TB&XH. Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 574 hồ sơ người nghiện ma túy, trong đó có trên 100 người nghiện ma túy thuộc trường hợp cần áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, do các nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, trong năm 2018, Trung tâm mới tiếp nhận 21 học viên cai nghiện ma túy, trong đó có 2 trường hợp bắt buộc và 19 trường hợp tự nguyện.

Ông Bình cho biết, bên cạnh công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng thì công tác giáo dục, nâng cao đời sống tinh thần cho bệnh nhân và học viên cai nghiện ma túy được duy trì thường xuyên. Công tác dạy nghề, lao động sản xuất là hoạt động rất quan trọng trong chuỗi hoạt động trị liệu cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân có thể thuyên giảm bệnh, đồng thời cải thiện bữa ăn của mình.

Thời gian qua, Trung tâm đã triển khai dạy nghề may công nghiệp, xâu chuỗi hạt, làm hương, thêu nón,…cho các bệnh nhân và học viên. Đặc biệt, trong năm 2018, Trung tâm đã triển khai lớp dạy nghề đan lưới cho doanh nghiệp của Nhật Bản đặt hàng.

Được sự tài trợ của các mạnh thường quân, Trung tâm cũng đã triển khai thực hiện các dự án chăn nuôi vịt, cải tạo đất màu trồng rau sạch tại Trung tâm; dự án hỗ trợ cho bệnh nhân được nuôi dưỡng tại Trung tâm đã hòa nhập cộng đồng chăn nuôi heo, gà tại gia đình,…

Trong năm 2018, Trung tâm Bảo trợ xã hội Thừa Thiên Huế cũng đã bố trí 300 bệnh nhân và học viên tham gia lao động sản xuất, với các nghề như: làm hàng mã, làm nấm, giá đỗ, khuôn đậu, trồng rau sạch, nuôi cá nước ngọt, chăn nuôi heo, bò, gà, vịt, dê, may công nghiệp, xâu chuỗi hạt, làm hương, đan lưới,..

Quá trình tham gia lao động, học nghề, tình trạng bệnh tật của nhiều bệnh nhân được thuyên giảm, vui vẻ, đặc biệt hạn chế được tình trạng lên cơn, phát bệnh của bệnh nhân so với trước khi chưa tham gia lao động, học nghề. 11 học viên cai nghiện chữa trị tự nguyện sau khi hòa nhập cộng đồng đều có việc làm ổn định và không tái nghiện.

Ông Trần Quốc Hùng – Giám đốc Trung tâm Trung tâm Nuôi dưỡng và Công tác xã hội Thừa Thiên Huế, công tác tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội vào nuôi dưỡng được Trung tâm thực hiện thường xuyên đảm bảo đúng hồ sơ, thủ tục, đúng đối tượng quy định theo. Đối với người lang thang trên địa bàn, Trung tâm tổ chức tiếp nhận cả ngày và đêm (24/24 giờ). Hiện nay, tổng số đối tượng đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm là 103 người. Sau khi được tiếp nhận, các đối tượng sẽ được quản lý và chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, dạy nghề. đối với những trường hợp khác thì tư vấn để các tổ chức, cá nhân đưa đối tượng đến các đơn vị, địa phương theo quy định.

Hiện nay Trung tâm đã tổ chức nhận gia công cho đối tượng làm hương với số lượng 15 người tham gia và 5 người làm những nghề gia công khác. Trung tâm cũng hướng dẫn một số đối tượng có khả năng lao động tham gia nuôi gà và nuôi cá.


Bình luận
TỪ KHOÁ:
Tin liên quan

Bản quyền thuộc về VNCA, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Địa chỉ : Tầng 5, Nhà C, 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Lê Đại Hành, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : (024)39447254
Fax:(024) 39447267
Ghi rõ nguồn "Uỷ Ban Quốc Gia Người Cao Tuổi Việt Nam" hoặc "http://vnca.molisa.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này