Quảng Ninh: Chung tay chăm lo đời sống cho các đối tượng bảo trợ xã hội
Cập nhật lúc : 22/03/2019
Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, Quảng Ninh đã chú trọng ưu tiên cho công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo thông qua việc ban hành nhiều chính sách đặc thù, nâng mức trợ cấp, trợ giúp xã hội của tỉnh cao hơn mức bình quân chung cả nước
Giai đoạn 2010-2016, tỉnh nâng mức chuẩn trợ cấp hàng tháng từ 180.000 đồng lên 300.000 đồng; từ tháng 1/2017 đến nay, mức trợ cấp tiếp tục được nâng lên là 350.000 đồng/tháng (tăng 1,3 lần so với mức chuẩn Trung ương quy định). Đến nay, 100% đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng được cấp thẻ BHYT để khám, chữa bệnh; 100% đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng (trừ người đơn thân nghèo đang nuôi con nhỏ), khi chết gia đình của họ hoặc các tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức mai táng được hỗ trợ tiền mai táng phí với mức hỗ trợ 6 triệu đồng. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức mai táng cho người chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng hoặc các lý do bất khả kháng khác, không phải địa bàn nơi cứ trú của người đó, tỉnh hỗ trợ mức 9 triệu đồng.Hiện toàn tỉnh Quảng Ninh có 02 cơ sở bảo trợ xã hội công lập, từ năm 2010 đến nay, số đối tượng được nuôi dưỡng tập trung tại 2 cơ sở này trung bình khoảng 180 người, trong đó tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội là gần 70 người cao tuổi, người khuyết tật và tại Trung tâm Bảo trợ Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 110 trẻ. Công tác chăm lo đời sống tinh thần cho đối tượng tại các trung tâm luôn được đặc biệt quan tâm với mức trợ cấp trung bình từ 1,5-2,5 triệu đồng/người/tháng và hưởng mức sinh hoạt phí bằng 10 tháng lương tối thiểu chung/người/năm.
Các chính sách trợ giúp đột xuất cũng được thực hiện kịp thời. Hằng năm, vào dịp giáp hạt, tỉnh rà soát, trợ cấp kịp thời đảm bảo người dân nói chung và đối tượng bảo trợ xã hội nói riêng không bị rơi vào tình trạng thiếu lương thực. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ lương thực cho gần 5.000 người với thời gian từ 1-3 tháng, trung bình 20kg gạo/người/tháng; hỗ trợ mai táng phí, người bị thương do thiên tai, hỏa hoạn với tổng số tiền trên 2,7 tỷ đồng; hỗ trợ 528 nhà bị sập, đổ, hỏng nặng và phải di dời do bão lũ thiên tai với số tiền 6,5 tỷ đồng. Những trường hợp cá nhân, hộ gia đình bị nặng, Lãnh đạo Sở tham mưu với lãnh đạo UBND tỉnh hỗ trợ thêm cho đối tượng (ngoài phần hỗ trợ cứu trợ đột xuất của các địa phương mức 3 triệu đồng đối với người bị thương, 6 triệu đồng đối với người chết).
Ngoài việc thực hiện tốt các chính sách theo quy định của Trung ương, thời gian qua, Quảng Ninh còn ban hành cơ chế, chính sách riêng, đặc thù đối với 4.076 đối tượng người cao tuổi (NCT), người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt..., cụ thể như: Thực hiện cấp thẻ BHYT và hỗ trợ mai táng phí đối với người từ đủ 75 tuổi đang hưởng tuất do BHXH chi trả (hiện áp dụng mức 6.000.000 đồng/trường hợp chết); Thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng cho NCT từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo (được hưởng mức trợ cấp bằng đối tượng đủ 80 tuổi – hiện nay tỉnh áp dụng mức chuẩn trợ giúp xã hội là 350.000 đồng/tháng). Từ năm 2012 - 2018, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 2.000 NCT hưởng trợ cấp xã hội (tập trung chủ yếu ở khu vực khó khăn) với kinh phí khoảng hơn 7 tỷ đồng/năm; Thực hiện cấp thẻ BHYT miễn phí cho tất cả những NCT từ đủ 75 tuổi trở lên mà chưa được cấp thẻ BHYT từ các chính sách khác của nhà nước. Từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 5.500 – 6.000 NCT được cấp thẻ; Trợ cấp thường xuyên đối với trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, không có nguồn nuôi dưỡng với mức hỗ trợ 70% mức lương cơ sở đối với trẻ dưới 48 tháng tuổi và 50% mức lương cơ sở đối với trẻ từ 48 tháng đến dưới 16 tuổi; Hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội của tỉnh là 350.000 đồng và khi chết được hỗ trợ mai táng phí với mức 6 triệu đồng...
Trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị và toàn thể nhân dân về thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, góp phần nâng cao đời sống của các đối tượng chính sách, tạo điều kiện để các đối tượng vươn lên hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội từ cấp tỉnh tới cấp huyện, cấp xã; hướng dẫn các địa phương rà soát đối tượng tránh sai sót, để chi trả kịp thời, đúng thời gian, đúng chế độ, chính sách, trực tiếp đến tận tay đối tượng hoặc gia đình có đối tượng./.